TRUYỀN CẢM HỨNG SỐNG ĐẠO… 5

TRUYỀN CẢM HỨNG SỐNG ĐẠO… 5

Sự tha thứ của Thiên Chúa không có giới hạn

Bối cảnh…

Với khái niệm về hai loại ân xá trong Giáo hội – đại xá hay toàn xá (indulgentia plenaria)[1] tha toàn bộ hình phạt của tội; còn tiểu xá (indulgentia partialis)[2] chỉ tha một phần hình phạt của tội – không ít người trong chúng ta vẫn thường đặt câu hỏi khi nào thì ai đó được nhận ơn đại xá, khi nào thì được nhận ơn tiểu xá. Nói khác đi, đâu là các điều kiện để được nhận ơn đại xá, ơn tiểu xá? Câu trả lời có thể tóm lược như sau: Đó là người: (1) Đã lãnh nhận bí tích thánh tẩy; (2) Không bị vạ tuyệt thông; (3) Sống trong tình trạng ân sủng ít là vào lúc kết thúc công tác phải làm; (4) Có ý định muốn lãnh nhận ân xá; (5) Thi hành những công tác như đã ấn định; (6) Xưng tội; (7) Rước lễ; (8) Cầu nguyện theo ý đức giáo hoàng; (9) Dứt bỏ lòng quyến luyến các tội, dù là tội nhẹ.[3]

Theo đó, điều kiện tuy nhiều nhưng không quá khó; hay cũng có thể nói, điều kiện tuy tương đối dễ hay hoàn toàn khả thi nhưng hơi nhiều… do mục đích của ân xá là nhằm tha toàn bộ hay một phần các hình phạt phạm nhân (hay tội nhân) đáng phải chịu vì đã phạm tội.[4] Thật vậy, trong bối cảnh đặc biệt Năm Thánh ngoại thường của lòng thương xót (Iubilaeum extraordinarium misericordiae) năm 2016 chẳng hạn, sống ân xá Năm Thánh đã được định nghĩa là “chạy đến lòng thương xót của Thiên Chúa Cha với niềm xác tín rằng sự tha thứ của Ngài trải rộng khắp cuộc đời của tín hữu”.[5]

Thế cũng hoàn toàn có thể được cắt nghĩa rằng, các ân xá như tiểu xá, đại xá… đều có thể được ban cho nhân loại trong rất nhiều trường hợp nếu con người biết “chạy đến lòng thương xót của Thiên Chúa…”. Bởi lẽ, “Sự tha thứ của Thiên Chúa không có giới hạn”.[6] Vâng, thật tuyệt vời! Một phương dược cần thiết, hữu ích và có thể tạo ra và làm lan truyền rất nhiều cảm hứng cho tất cả những ai thiện chí, đầy lòng tin vào tình yêu xót thương của Thiên Chúa Toàn Năng!

Misericordiae vultus, số 22,1-4

  1. Năm thánh Lòng Chúa Thương Xót cũng bao gồm việc ban các ân xá. (APV 22,1) Việc thực hành này sẽ có được ý nghĩa càng quan trọng hơn trong Năm thánh Lòng Thương Xót. (APV 22,2) Sự tha thứ của Thiên Chúa không có giới hạn. (APV 22,3) Trong cái chết và sự sống lại của Đức Ki-tô Giê-su, Thiên Chúa làm rõ ràng hơn nữa tình yêu của Ngài và quyền năng của tình yêu này làm tiêu diệt mọi tội lỗi nhân loại. (APV 22,4)

Với Mát-thêu 17,14-21[7]

14 Khi thầy trò đến với đám đông, thì có một người tới quỳ xuống trước mặt Đức Giê-su15 và nói: “Thưa Ngài, xin thương xót con trai tôi, vì cháu bị kinh phong và bệnh tình nặng lắm: nhiều lần ngã vào lửa, và cũng nhiều lần ngã xuống nước.16 Tôi đã đem cháu đến cho các môn đệ Ngài chữa, nhưng các ông không chữa được.”17 Đức Giê-su đáp: “Ôi thế hệ cứng lòng không chịu tin và gian tà! Tôi còn phải ở với các người cho đến bao giờ, còn phải chịu đựng các người cho đến bao giờ nữa? Đem cháu lại đây cho tôi.”18 Đức Giê-su quát mắng tên quỷ, quỷ liền xuất, và đứa bé được khỏi ngay từ giờ đó.19 Bấy giờ, các môn đệ đến gần hỏi riêng Đức Giê-su rằng: “Tại sao chúng con đây lại không trừ nổi tên quỷ ấy?”20 Người nói với các ông: “Tại anh em kém tin! Thầy bảo thật anh em: nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải thôi, thì dù anh em có bảo núi này: “Rời khỏi đây, qua bên kia!” nó cũng sẽ qua, và sẽ chẳng có gì mà anh em không làm được. (21 Giống quỷ này không chịu ra, nếu người ta không ăn chay cầu nguyện)”.

Theo đó, trong ân sủng đức tin được lãnh nhận, ta có thể gợi ý tìm hiểu về đề tài ân xá như sau:

  1. Với “… lòng tin lớn bằng hạt cải” thì bạn có thể nói gì, biết gì, đón nhận gì… để so sánh với khái niệm ân xá Ki-tô giáo? Theo bạn, đại xá hay toàn xá là gì; tiểu xá là gì? Khi nào thì ta được nhận ơn đại xá, khi nào thì được nhận ơn tiểu xá? Đâu là các điều kiện cụ thể?
  2. Trong thời đại của lòng thương xót, có phải sống và đón nhận ân xá được định nghĩa là “chạy đến lòng thương xót của Thiên Chúa Cha với niềm xác tín rằng sự tha thứ của Ngài trải rộng khắp cuộc đời của tín hữu”? Thế còn, khi khẳng định “Sự tha thứ của Thiên Chúa không có giới hạn”,[8] có phải đức giáo hoàng Phan-xi-cô cũng muốn tái khẳng định rằng: “Trong cái chết và sự sống lại của Đức Ki-tô Giê-su, Thiên Chúa làm rõ ràng hơn nữa tình yêu của Ngài và quyền năng của tình yêu này làm tiêu diệt mọi tội lỗi nhân loại”?[9]

Chút suy tư

Vâng, một lần nữa, trong cái nhìn tuyệt vời “nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải” thì…; trong trường hợp này, ân xá quả là một phương dược cần thiết, hữu ích và có thể truyền rất nhiều cảm hứng cho những ai thiện chí và đầy lòng tin vào Đức Ki-tô Phục Sinh! Những câu chuyện như: của ăn “manhu”, “manna”, “năm bánh hai cá… năm ngàn người ăn no”… là dấu chỉ của yêu thương, của bí tích Thánh Thể… chỉ có thể được đón nhận cách đầy đủ nhất trong đức tin, mà tiên vàn chính là ân sủng ban xuống từ trời cao. Thật vậy… “Sáng nọ còn tinh mơ / Có gì nở trắng đất / Lời cầu nên sự thật / Của ăn gọi ‘manhu’ / Chiều nay trời sắp ngủ / Đủ năm bánh hai cá / Để hóa nên phép lạ / Năm ngàn người ăn no / Nguyên do kể như rõ / Khi đó tràn manna / Bao la đầy “bánh cá” / Phép lạ lòng tôn sùng / Ân sủng ơn toàn xá / Mời ta cùng khấn thưa / Bẻ nửa và bẻ nữa / Quyết sửa sai cuộc đời / Thế thời Chúa xót thương”.[10]

Cũng vậy, chỉ những ai thiện chí và đầy lòng tin thì mới hiểu và sống, mới cảm và nếm được thế nào là bình an đích thực, bình an của Đức Ki-tô, “ân xá trên hết mọi ân xá”, “ân sủng của mọi cấp độ ân sủng”. Thật vậy: “Bình an đến thế nào / Đâu bình an mong đợi / Từ chót cao vời vợi / Tỏ tâm tình ước mong / Ơn bình an bên trong / Qua bên ngoài tỏ hiện / Cứ tuần tự nhi tiến / Bình an thực “an bình” / Bình tĩnh được định hình / Nơi thập giá cứu độ / Đó chính là nhân tố / Ơn giải thoát “tương liên” / Đón hạnh phúc vô biên / Với tặng ân vĩ đại / Hưởng đặc ân xá giải / Sai sót được thứ tha / Từ giếng nước bước ra / Cũng là ơn xá tội / Không chỉ thanh tẩy vội / Mà thánh tẩy tội nguyên / Thuở A-đam vẹn tuyền / E-và luôn chiến thắng / Trời Địa Đàng ánh nắng / Vẫn trắng màu thiên nhiên…”.

Theo đó, với tầm nhìn bác ái bao dung khả dĩ nhất của một Ki-tô hữu, chúng ta hãy tự khẳng định mình luôn phải thượng tôn pháp luật mà rằng, tuy không phải trực tiếp dẫn đến mục đích hay ý nghĩa ân sủng được ban, ân xá được tặng… tự nhiên mà một tổ chức bất kỳ nào theo đuổi, thì ân xá cũng hãy tiên vàn đem lại bình an đích thực, nghĩa là, dẫn đến bình an trong Đức Ki-tô. Đây chắc chắn cũng phải là một phần cực kỳ quan trọng trong nỗ lực bảo vệ tất cả quyền con người theo các chuẩn mực tự nhiên và với tầm vóc quốc tế.

Bởi lẽ, trong cái nhìn đức tin tinh ròng, Ki-tô hữu có thể nhận thấy bất kỳ tổ chức nào hoặc ai đó muốn giải thoát tất cả các vấn đề tù túng của lương tâm, muốn bãi bỏ mọi hình thức tra tấn, các cách thức đối xử với tù nhân bị cho là tàn bạo, muốn hủy bỏ các ý định xấu công khai hoặc tiềm tàng của tổ chức thì tất phải cậy nhờ đến bình an đích thực, bình an của Đức Ki-tô, “ân xá trên hết mọi ân xá”, “ân sủng của mọi cấp độ ân sủng”. Nhưng làm sao… để bình an của Đức Ki-tô, bình an đích thực, đến ngự trị trên toàn thể trần gian này lại là câu chuyện không hề đơn giản!

Vâng, với biểu tượng “Ngọn nến trong vòng dây kẽm gai…” đi chăng nữa, thì điều đó có thực sự nhắc đến “ân xá là bình an đích thực” hay không? Trong Tin-Cậy-Mến, “Bình an như ánh nến / Ngày Phục Sinh Cứu Chuộc / Bình an không lệ thuộc / Mà thanh thoát cho đi… / Bình an có là vì… / Thánh Thần Chúa ngự đến / Hạnh phúc từ bên trên / Từ trong bước ra ngoài / Ơn trọng Đấng Thiên Sai / Chúa Ngôi Hai xuống thế / Hồng ân Chúa Nhập Thể / Mãi giàu lòng xót thương / Trong cung bậc vô thường / Thanh sắc hương hiện diện / Tình yêu Chúa bất biến / Mãi một màu xót thương”.[11]

14-4-2024, GTHH

[1] Plenary indulgence, indulgence plénière (ơn đại xá / ơn toàn xá / ân xá toàn phần).

[2] Partial indulgence, indulgence partielle (ân xá từng phần / ơn tiểu xá / ơn phần xá).

[3] X. Phạm Đình Ái, Các điều kiện để lãnh nhận ân xá (WHĐ, 25-10-2022) (https://tgpsaigon.net/bai-viet/cac-dieu-kien-d…).

[4] X. Phao-lô VI, Tông hiến Indulgentiarum doctrina (Học thuyết về các ân xá) công bố ngày 01-01-1967.

[5] APV 22,17.

[6] APV 22,3.

[7] X. “Đức Giê-su chữa đứa trẻ bị kinh phong” (x. Mc 9,14-29; Lc 9,37-43a).

[8] APV 22,3.

[9] APV 22,4.

[10] BHvN B, Sỏi đá…, T91, số 22-24.

[11] BHvNB, Sỏi đá…, T91, số 25-26.

share on:

Facebook
Twitter
Print
5/5

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top