TRUYỀN CẢM HỨNG SỐNG ĐẠO… 1

TRUYỀN CẢM HỨNG SỐNG ĐẠO… 1

Dẫn vào

Trở về từ nhà thờ chánh tòa Đức Bà Sài Gòn sáng nay, ngày 28-3-2024, nhiều anh em linh mục chúng tôi cảm thấy lòng hân hoan phấn khởi cách đặc biệt, vì vừa được tham dự thánh lễ Truyền Dầu một cách hết sức sốt sắng. Bầu khí phụng vụ tuyệt vời, với nhiều điểm nhấn thật đẹp, thật ý nghĩa! Đã vậy, bài chia sẻ của đức tổng giám mục chủ tế lại là một tổng hòa thêm vào của những gì mà Ki-tô hữu chúng ta gọi là “đầy Thánh Thần”…, còn thì nhân gian, trong giáo dục học, có thể gọi đó là truyền cảm hứng. Nào là thuật ngữ participatio trong bối cảnh Hội Thánh hiệp hành… không phải chỉ là tham gia thông thường (như chúng ta quen nói); rồi thì “cần có nhau”; và đặc biệt chính là cụm từ “truyền cảm hứng sống đạo…”.

Vâng, tên gọi của bài viết này là “Truyền cảm hứng…” (nghĩa là, inspiration, inspiring, và nhiều người trong chúng ta đã thực sự được “truyền cảm hứng…” (really inspired). Mà không thế sao được, bởi “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi…”; bởi câu lời Chúa tuyệt vời “hôm nay đã ứng nghiệm lời Thiên Chúa tai các ông vừa nghe”. Rõ ràng bài Tin Mừng thánh lễ truyền dầu ngày hôm nay là thế mà. Vậy chúng ta hãy sốt sắng nghe lại bài Tin Mừng này nhé, nội dung nói về một trong những hoạt động chính yếu của Đức Ki-tô Giê-su khi Người trở về nơi Người sinh trưởng, tức là tại hội đường Na-da-rét.[1]

Lu-ca 4,16-30

16 Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh.17 Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng:18 Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức,19 công bố một năm hồng ân của Chúa. 20 Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người.21 Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”22 Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người. Họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?”23 Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!”24 Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình. 25 “Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà góa ở trong nước Ít-ra-en;26 thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà góa thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn.27 Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”28 Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ.29 Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.30 Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

“Truyền cảm hứng…”

“Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe”.[2] Vâng, thật vậy, participatio trong bối cảnh Hội Thánh hiệp hành hôm nay… không phải chỉ là sự tham gia thông thường… mà là đồng trách nhiệm, mỗi thành phần dân Chúa có một vị trí độc đáo trong Giáo hội, trong vườn nho của Chúa. Chính đức tổng giám mục Giu-se, vị cha chung của gia đình tổng giáo phận, đã chẳng từng nhắc đi nhắc lại cho giáo dân chúng ta thành ngữ: “Giáo dân là Giáo hội” mà không được nói “Giáo dân thuộc về Giáo hội hay giáo dân cũng là Giáo hội”. Vậy đấy, thật thấm thía và truyền cảm hứng biết bao! Thế rồi nếu có nói đến “cần có nhau” thì cũng vậy, không chỉ “sỏi đá cũng cần có nhau hay vẫn cần có nhau” cho bằng phải là “mãi mãi cần có nhau”… trong mầu nhiệm qui về một mối là Đức Ki-tô (recapitulatio), nơi Người, vạn vật và mọi biến cố lịch sử được tập họp thành một mối, được khôi phục và thành tựu… trong Đức Ki-tô là đầu mối duy nhất, là Đầu của toàn thể Giáo hội.

Vậy để nói lời kết cho bài chia sẻ này, câu trích dẫn sau đây từ Tông chiếu Vultus misericordiae 12,5 (Dung nhan lòng xót thương) của đức giáo hoàng Phan-xi-cô sẽ là rất khả dĩ: rất Giáo hội học, rất cần có nhau, và hiển nhiên, rất truyền cảm hứng sống đạo: “Ngôn ngữ và cử chỉ của Giáo hội phải chuyển tải lòng thương xót, để chạm đến trái tim của mọi người và truyền cảm hứng cho họ một lần nữa nhằm giúp tìm ra con đường dẫn đến Chúa Cha”.[3]

Theo đó, đây cũng là nét văn hóa “sân chư dân” (aeropagus) để Giáo hội gặp gỡ thế giới.

[1] X. Mt 13,53-58; Mc 6,1-6.

[2] Lc 4,21.

[3] VM 12,5 (Her language and her gestures must transmit mercy, so as to touch the hearts of all people and inspire them once more to find the road that leads to the Father).

share on:

Facebook
Twitter
Print
5/5

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Scroll to Top